Đầu tháng 07 vừa qua, Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 05 năm 2023 của Chính phủ về Quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, Khoản 2 Điều 3 của Nghị định này ghi nhận:
“Điều 3. Mức lương cơ sở
2. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2023, mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng”.
Có thể thấy mức lương cơ sở hiện nay đã tăng từ 1.490.000 đồng/tháng (theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP) lên 1.800.000 đồng/tháng. Dù rằng mức lương cơ sở trên được áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, tuy nhiên, luật sư chuyên trách tư vấn pháp luật lao động của kjobs.vn phân tích việc thay đổi mức lương cơ sở cũng sẽ kéo theo sự biến động của các khoản tiền trợ cấp bảo hiểm xã hội dành cho người lao động trên phạm vi toàn quốc, cụ thể:
1. Tăng trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận con nuôi
Giờ đây, khi lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi sẽ được hưởng trợ cấp một lần là 3.600.000 đồng (bằng 02 lần mức lương cơ sở theo Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
(Mức hưởng trợ cấp thai sản một lần đã tăng lên 3.600.000 đồng)
2. Tăng mức trợ cấp một lần
Điểm a Khoản 2 Điều 46 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
“Điều 46. Trợ cấp một lần
2. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:
a) Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;”
Đối với người lao động bị suy giảm 5% khả năng lao động, mức trợ cấp một lần được hưởng sẽ tăng lên 9.000.000 đồng (bằng 05 lần mức lương cơ sở), thay vì mức 7.450.000 đồng với mức lương cơ sở cũ. Và cứ mỗi 1% khả năng lao động bị suy giảm thêm, người lao động sẽ được hưởng thêm 900.000 đồng, tương ứng với 0,5 lần mức lương cơ sở.
(Mức hưởng trợ cấp một lần khi người lao động bị suy giảm lao động cũng gia tăng theo mức lương cơ sở mới được áp dụng từ ngày 01/07/2023)
3. Tăng mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật
Khi điều trị thương tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà thể trạng chưa phục hồi, người lao động sẽ được nghỉ dưỡng sức thêm từ 05 đến 10 ngày theo Khoản 1 Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Với mỗi ngày nghỉ dưỡng sức, người lao động sẽ được hưởng một khoản trợ cấp theo Khoản 2 Điều này như sau:
“2. Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.”
Như vậy, kể từ thời điểm mức lương cơ sở mới được áp dụng, với mỗi ngày nghỉ dưỡng sức sau khi điều trị thương tật, người lao động sẽ được hưởng 450.000 đồng nếu nghỉ dưỡng tại gia. Trong trường hợp phải nghỉ dưỡng, phục hồi tại cơ sở tập trung, mức hưởng sẽ tăng lên 720.000 đồng/ngày.
(Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng gia tăng theo mức lương cơ sở mới được áp dụng từ ngày 01/07/2023)
Ngoài ra, mức hưởng các chế độ trợ cấp BHXH khác như trợ cấp một lần trong trường hợp người lao động tử vong do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hay mức trợ cấp khi người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên;... cũng sẽ gia tăng theo mức lương cơ sở mới được áp dụng từ ngày 01/07/2023. Đây là một tín hiệu đáng mừng dành cho người lao động trên khắp cả nước, nhất là với những người lao động hiện đang làm việc tại các khu công nghiệp khi thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị tai nạn lao động hay mắc bệnh nghề nghiệp.
Và kjobs.vn luôn sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn cho người lao động đang mong muốn tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực, trình độ của bản thân, đặc biệt là lao động tại các khu công nghiệp, hay doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng tại địa bàn 33 tỉnh, thành phố.
Mọi thắc mắc, yêu cầu tư vấn về lao động, việc làm xin vui lòng liên hệ với kjobs.vn thông qua hotline: 086.566.3337.